Ngành da giày đang đứng trước cơ hội gia tăng, mở rộng thị trường xuất khẩu khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được ký kết.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt thời cơ, ngành này cần khắc phục các điểm yếu cố hữu, nâng cao năng lực cạnh tranh với sự năng động của bản thân các doanh nghiệp (DN), sự đồng hành hỗ trợ từ chính sách và các tổ chức đại diện…
Giữ vững đà tăng trưởng
Theo phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) Nguyễn Đức Thuấn, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với một số nước trong khối ASEAN cùng sản xuất da giày. Tuy nhiên, dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính của ngành da giày vẫn tốt nên ngành sẽ tiếp tục phát triển.
Dự báo của LEFACO là có cơ sở. Bởi dù tháng tết có nhiều ngày nghỉ, nhưng kết quả sản xuất và kinh doanh của ngành da giày trong quý 1-2019 tiếp tục đạt tăng trưởng ở mức 2 con số.
Thống kê cho thấy, sản lượng giày, dép da trong quý 1 ước đạt 62,9 triệu đôi, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Theo tính toán của LEFASO, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày năm nay sẽ tăng 11% so với năm 2018, ngành nỗ lực nội địa hóa sản phẩm với tỷ lệ 60%; xuất khẩu da giày sẽ đứng thứ 4 và xuất khẩu túi xách sẽ đứng thứ 10, trong tốp 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.
Một trong những thuận lợi và cơ hội cho ngành da giày trong nước thời gian tới là việc Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày, để tập trung cho các ngành công nghệ cao.
Do đó, các đơn hàng gia công da giày, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Đáng chú ý, CPTPP và EVFTA có thể đem lại những cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam phát triển, giúp các DN giảm chi phí đầu vào, tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn, tăng năng suất và duy trì thị phần ở Mỹ, EU và Nhật Bản.
Mặt khác, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến xuất nhập khẩu trong nước và thúc đẩy đầu tư của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên.
Đồng thời, việc xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam giúp DN trong nước từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng năng lực cạnh tranh khi tham gia các FTA lớn; nâng cao giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu và cải thiện chất lượng tăng trưởng của ngành.